Lượt xem: 219

Lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công

Chiều 16/5, tại thành phố Cần Thơ, Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Long An, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc, tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí: Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

 


Quang cảnh hội nghị

 

    Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước cho 8 tỉnh, thành phố với tổng số vốn hơn 39.760 tỷ đồng, đến nay đã phân bổ chi tiết hơn 85%; trong đó, số vốn ngân sách Trung ương hơn 9.900 tỷ đồng (đã phân bổ 100%), tổng số vốn ODA hơn 3.190 tỷ đồng (đã phân bổ hơn 78%), tổng số vốn ngân sách địa phương hơn 26.600 tỷ đồng.

    Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tóm tắt về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của cả nước và 8 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu và Kiên Giang. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn ngân sách Nhà nước của 8 địa phương đã giải ngân tính đến ngày 30/4/2022 là hơn 5.700 tỷ đồng, đạt 14,2%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 15,08%, cao hơn 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước giải ngân đạt 11,8%, thấp hơn bình quân chung cả nước là 16,13%, thấp hơn 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

    Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư; tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; coi kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.

    Đối với nguồn vốn ODA đã giải ngân đạt 0,9%, thấp hơn bình quân chung cả nước là 4,1%, thấp hơn 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước giải ngân 5 tháng của 8 địa phương tính đến ngày 30/5/2022 khoảng 7.600 tỷ đồng, đạt 18,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 20,61%, nhưng cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

    Về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đối với các ban quản lý, chủ đầu tư phải cam kết về tiến độ cũng như đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công, vật tư phục vụ trong việc thực hiện hoàn thành gói thầu và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, thành phố về tiến độ giải ngân vốn trong trường hợp không đạt tỷ lệ giải ngân như kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, khẩn trương nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán gửi đến cơ quan kiểm soát chi, không để dồn vào cuối năm.

    Tại buổi làm việc, một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị nhiều vấn đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện việc giao ban định kỳ hằng tháng về giải ngân đầu tư công để phát hiện các tồn tại, hạn chế, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; bám sát diễn biến thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường; xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

    Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ cho địa phương trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án chưa phân bổ hết vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn cần có sự phối hợp giữa địa phương với các bộ, ngành để làm rõ trách nhiệm và có hướng xử lý đối với từng dự án cụ thể. Cần có các giải pháp cụ thể để tập trung đôn đốc, thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư công. Phó Thủ tướng lưu ý cấp ủy, chính quyền cấp quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, chủ đầu tư cần nắm bắt kế hoạch đầu tư công sát sao, triển khai cụ thể, không lơ là, chủ quan. Cần có giải pháp tháo gỡ cụ thể, kiểm tra, rà soát, đôn đốc. Quan trọng là người thật, việc thật, chủ động bám sát các vấn đề có liên quan đến cấp Trung ương. Nhà thầu khó khăn nhất là vốn, giá vật liệu xây dựng, chi phí năng lượng tăng, vì vậy giải pháp tháo gỡ là điều chỉnh giá. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ động tham mưu cho Chính phủ, dự án nào khó khăn thì phải linh hoạt xem xét điều chuyển sớm sang dự án khác trong danh mục cho phép. Về mặt thể chế, cơ chế chính sách còn vướng mắc cần đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, tăng cường vai trò, trách nhiệm đề xuất của địa phương. Cấp ủy phải quan tâm, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu vào cuộc vận động tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa dự án. Trong quá trình tổ chức thực hiện giải ngân, phải làm đúng trình tự, thủ tục, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Hướng đến mục tiêu giải ngân 100% vốn hoặc ít nhất phải giải ngân đạt cao hơn năm 2021.

Thanh Khiết



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8333
  • Trong tuần: 79,040
  • Tất cả: 11,802,360